Lối đi mới của du lịch team building

Nhu cầu được ra ngoài du lịch, hoạt động, tương tác giữa mọi người ngày càng gia tăng sau thời gian dài cách ly vì đại dịch.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, nhiều người chọn cách hạn chế tối đa việc gặp gỡ, tụ tập đám đông hay tiếp xúc trực tiếp khi đi du lịch, hoạt động team building. Điều này thách thức các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm ra hướng đi khác để phục hồi, phát triển các sản phẩm du lịch trong thời đại mới.

Giống như Running Man của Hàn Quốc, chương trình team building hành trình có format bắt nguồn từ phong trào hướng đạo sinh ở Châu Âu năm 1907. Theo phương pháp Hướng đạo, những người tham gia sẽ tập trung vào các hoạt động ngoài trời, bao gồm cắm trại, kỹ năng sống trong rừng, trò chơi dưới nước, đi bộ đường dài và các trò chơi thể thao.

Team building hành trình bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ cuối những năm 2000, cùng với một loạt các trò chơi team building phát triển kỹ năng khác. Cùng sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ số cũng được ứng dụng với nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, trong đó có các sản phẩm du lịch.

Ý tưởng đưa công nghệ số vào sản phẩm du lịch team building

Cách đây khoảng 15 năm, anh Nguyễn Bá Tùng (39 tuổi) - Giám đốc sáng tạo Công ty TNHH An Phú Thăng Long – ANCORIC là giảng viên huấn luyện team building nổi tiếng tại Hà Nội. Năm 2009, nhóm của anh được Đài đài truyền hình Việt Nam mời viết kịch bản cho chương trình "Hà Nội 36 phố phường", phát sóng trên kênh VTV3 để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Nhận thấy tầm quan trọng và tiềm năng phát triển của du lịch team building trong thời buổi công nghiệp, hiện đại hóa, năm 2018, công ty của anh đã bắt đầu triển khai ý tưởng tích hợp yếu tố công nghệ vào sản phẩm team building hành trình, bắt đầu từ trò giải mã mật thư.

Kịch bản giải mật thư rất quen thuộc. Người chơi dùng thời gian quy định để giải mật thư theo sự gợi ý, tìm đến các điểm tiếp theo của hành trình và hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, điểm khác biệt là dùng smartphone làm công cụ tương tác và kết nối đội nhóm.

Anh Nguyễn Bá Tùng cho hay, "Năm 2018, chúng tôi chạy một bản thử nghiệm chương trình tại một trang trại ở Đông Anh (Hà Nội) với tham vọng là ban tổ chức chỉ xuất hiện một lần duy nhất để phát mật thư, còn lại người chơi sẽ tự tìm cách đưa nhau về đích. Việc trao đổi thông tin được thực hiện qua điện thoại, zalo, quét mã QR… để đọc gợi ý, chỉ dẫn đến điểm tiếp theo.  Sau buổi thử nghiệm, chúng tôi đánh giá chương trình rất tốt, khả thi và có thể xây thành ứng dụng điện thoại (App)".

Du khách thích thú với trải nghiệm ứng dụng công nghệ số vào hoạt động team building hành trình, du lịch

Thời điểm ra mắt vào năm 2018, App Outing của ANCORIC không phải ứng dụng hỗ trợ chơi team building đầu tiên của Việt Nam. Trước đó, trên thị trường đã có ứng dụng Go Team của Anh Quốc và Pro Team của một công ty Việt Nam nhưng chưa thực sự phổ biến với công chúng.

Mặc dù ra sau, ứng dụng Outing đã nhanh chóng được người dùng và các công ty du lịch biết đến, đạt được những thành tựu nhất định trong ngành. Anh Tùng cho biết thêm, "Hiện tính theo thị phần và khả năng người dùng, lượng tác giả sản xuất kịch bản team building trên Outing đang chiếm vị trí số 1 tại Việt Nam. Ứng dụng đang có 922 kịch bản cho người dùng lựa chọn.

Các kịch bản có thể có sẵn hoặc do các công ty lữ hành, công ty team building, các bạn trẻ sáng tạo đăng ký tài khoản và tự tạo nên. Chúng tôi có một kho thư viện khổng lồ gồm nhiều trò chơi, hướng dẫn sử dụng đầy đủ cho người dùng tự do lựa chọn, sáng tạo kịch bản".

Tính đến nay, các kịch bản team building hành trình của App được xây dựng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, bao gồm Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Ninh Bình, Lào Cai, Quảng Ninh… Nhiều doanh nghiệp, công ty du lịch, team building đã áp dụng ứng dụng công nghệ hiện đại này vào các hoạt động ngoài trời, tổ chức sự kiện, tour du lịch. Trong đó, có thể kể đến các công ty lớn từ Bắc chí Nam như Đất Việt Tour, Vietravel, Cánh Cung, Vạn Đắc Phúc, Pys travel…

Phát huy thế mạnh của chuyển đổi số trong du lịch

Thế mạnh của việc tích hợp ứng dụng team building là tiết kiệm nguồn nhân lực so với hoạt động team building thông thường. Thay vì cần rất đông đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên của các công ty du lịch trực tiếp tổ chức, điều hành chương trình, thì ban tổ chức có thể dùng App để ghim định vị, đưa luật chơi lên. Kho trò chơi, hoạt động đa dạng, phong phú, phù hợp với từng điểm đến, địa hình và lượng người chơi tham gia.


"Năm đầu tiên, chúng tôi đầu tư nâng ứng dụng thường xuyên, khoảng 3 tháng 1 lần, tích hợp các tính năng mới khiến người dùng có thêm sự trải nghiệm. Đồng thời, chúng tôi liên tục tổ chức các chương trình khuyến mãi, hỗ trợ về giá dành cho các công ty du lịch, team building, tạo nên lợi thế cạnh tranh đặc biệt. Ngoài ra, chúng tôi còn có chương trình tập huấn online, offline, mời các hướng dẫn viên, KOL, bạn trẻ sáng tạo đến các khu du lịch để thử trải nghiệm ứng dụng" – anh Tùng chia sẻ.

Đặc biệt, theo anh, lợi thế của công ty là xây dựng kịch bản. Không chỉ là các trò chơi tương tác, các kịch bản team building hành trình do người Việt sản xuất còn đưa người chơi tới khám phá các điểm đến khác từ các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại mỗi nơi, người tham gia cũng như du khách được tìm hiểu thêm thông tin về lịch sử, ý nghĩa, giá trị của điểm đến nhờ vào tính năng của ứng dụng.

Không chỉ hỗ trợ các công ty du lịch, tổ chức sự kiện, ứng dụng còn giúp kết nối giữa người chơi, du khách với người dân địa phương, các điểm đến thông qua thử thách trong trò chơi. Những kịch bản team building hành trình kết hợp với tính năng của ứng dụng giúp giới thiệu nhiều địa danh thú vị, hấp dẫn của Việt Nam tới du khách một cách nhanh chóng và tiện lợi.

Anh Trần Trung Quan - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông và Sự kiện Đàn Ong Việt (Beevent) cho biết, doanh nghiệp của anh đã sử dụng các ứng dụng Outing App, Kahoot và Go Team trong tổ chức sự kiện, hoạt động team building từ năm 2018, và dùng nhiều từ giữa năm 2021 cho đến nay.

"Ưu điểm có thể thấy rõ nhất từ các ứng dụng là giúp cho các doanh nghiệp đang có định hướng chuyển đổi số tiếp cận nhiều hơn với công nghệ mới, hình thức mới chứ không chỉ là team building thuần túy. Ngoài ra, những phần mềm và ứng dụng này dễ dàng cung cấp nhiều thông tin và thực tế hơn cho khách hàng tại mỗi địa điểm du lịch, sự kiện" - anh Trần Trung Quan nói.

Tuy nhiên, theo anh Quan, việc ứng dụng công nghệ vào sản phẩm du lịch, team building cũng gặp một số hạn chế như kết nối mạng. Những khu vực vùng núi, vùng cao có mạng Internet kém ổn định, ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng. Trong khi đó, những khách hàng không nhạy bén với công nghệ sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận cũng như sử dụng sản phẩm du lịch này.

Dù vậy, cũng giống như nhiều công ty du lịch, tổ chức sự kiện khác, doanh nghiệp của anh vẫn mạnh dạn sử dụng ứng dụng, phần mềm công nghệ số vào các sản phẩm du lịch, team building. Bởi lẽ, hầu hết khách hàng đều bắt nhịp tốt sau khi được hướng dẫn tận tình, đồng thời tỏ ra thích thú với các tiện ích của ứng dụng công nghệ số trong các sự kiện, hoạt động team building.

Chưa dừng lại ở đó, trong tương lai, doanh nghiệp trẻ của Việt Nam còn tham vọng xây dựng thêm các phần mềm, hệ thống ứng dụng công nghệ số vào các sản phẩm du lịch. Tiêu biểu như ANCORIC đang tập trung thực hiện chương trình hợp tác số hóa các điểm đến tại những tỉnh thành trên cả nước, ứng dụng du lịch tương tác, thuyết minh điện tử, xây dựng thư viện điểm đến…

Với sự sáng tạo và nỗ lực không ngừng của các cá nhân, doanh nghiệp trong ngành, mục tiêu số hóa ngành du lịch Việt Nam đã không còn xa.

Theo: dulich.laodong.vn