Số hoá xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc
Kỳ cuối: Sản phẩm thúc đẩy quảng bá
(KDPT) - Game hóa sản phẩm du lịch thúc đẩy chuyển hóa hành vi, dẫn dắt du khách hành động. Đặc biệt, việc game hóa sản phẩm văn hóa thành sản phẩm phục vụ du lịch giúp du khách nhớ kỹ hơn, nhớ sâu hơn, từ đó lan tỏa câu chuyện, góp phần vào truyền thông, quảng bá sản phẩm.
Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch
Trong khi An Phú Thăng Long xây dựng các kịch bản để “game hóa” sản phẩm du lịch trên nền tảng số thì trên khía cạnh sản phẩm du lịch truyền thống, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Bền vững Việt Nam (Công ty Du lịch Bền vững Việt Nam) cũng đã phát triển ý tưởng “game hóa” khi xây dựng tour du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”.
Giám đốc Công ty Du lịch Bền vững Việt Nam Phùng Thị Hoàng Anh cho biết, bản chất của tour là một game mang tính tương tác mà không cần sử dụng công nghệ. Du khách trải nghiệm tour du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” sẽ như được “xuyên không” từ hiện tại trở về quá khứ khoảng 1.300 năm lịch sử, chính vì thế sẽ có sự thích thú nhất định.
Du khách quốc tế hào hứng trải nghiệm tour du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”
Bắt đầu tour, mỗi du khách sẽ được phát một thẻ giải mã, trên thẻ có 8 ô; cứ 2 ô một thời kỳ của Hoàng thành Thăng Long: Đại La, Lý, Trần, Lê. Trong quá trình tham quan, trải nghiệm, hướng dẫn viên sẽ giới thiệu các hiện vật tiêu biểu của mỗi thời kỳ. Nhiệm vụ của du khách là phải ghi nhớ những hiện vật đó. Đến cuối chương trình, du khách sẽ phải lựa chọn 8 trong 9 dấu (ấn) mà chương trình đưa ra để đóng đúng vào 8 ô trên thẻ giải mã được phát ban đầu. Du khách thực hiện đúng sẽ được chương trình trao phần thưởng. “Du khách sẽ được tương tác, tìm hiểu sâu hơn về lịch sử Hoàng thành Thăng Long, sẽ hiểu được thời kỳ thành Đại La có cái gì tiêu biểu, các thời kỳ Lý, Trần, Lê có cái gì là tiêu biểu. Như vậy, khi ra về, du khách sẽ có một ấn tượng nhất định và nhớ lâu hơn về Hoàng thành Thăng Long” – chị Phùng Thị Hoàng Anh chia sẻ.
Một sản phẩm miễn phí của An Phú Thăng Long triển khai tại Thiên Phú Lâm
Theo chị Phùng Thị Hoàng Anh, sau khi trải nghiệm tour du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, du khách có thể hiểu giếng nhà Trần là cái gì, đầu chim phượng nhà Lý là cái gì... Và du khách sẽ có một hình dung nhất định. “Hiện tại chúng tôi mới chỉ xây dựng phiên bản tiếng Việt, du khách trải nghiệm đều rất thích thú. Chúng tôi đang tiếp tục xây dựng phiên bản tiếng Anh, sắp tới đây sẽ đưa vào khai thác phục vụ du khách. Dù là phiên bản tiếng Việt nhưng du khách vẫn thích thú, bởi khi tham gia tour, dù hướng dẫn viên có thể giới thiệu chưa ứng ý lắm, tuy nhiên du khách lại tiếp nhận được lượng thông tin, kiến thức mà nếu chỉ tham quan thuần túy hoặc không có hướng dẫn viên thì du khách không thể tiếp cận và nghe được” – chị Phùng Thị Hoàng Anh cho biết.
Du khách chủ động trải nghiệm địa phương thông qua sản phẩm game hóa từ “Outing app”
Chị Phùng Thị Hoàng Anh dẫn ví dụ, chỉ nói về hiện vật gạch được khảo cổ tại khu vực Hoàng thành Thăng Long cũng đã có nhiều thông tin bổ ích. Có viên gạch do những người lính Trung Quốc thời thành Đại La đóng để xây thành; có những viên gạch được đóng thời Đinh-Tiền Lê, đóng dấu ấn của thời này với dòng chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên”, được khai quật thấy cả ở Hoàng thành Thăng Long và cố đô Hoa Lư. Điều này minh chứng và khẳng định rõ nét nước Đại Việt ta đã có từ ngày đó; chúng ta đã tự sản xuất gạch để xây dựng nên một khu vực như vậy. “Nếu du khách không tham gia game, hướng dẫn viên không giới thiệu sâu, du khách tham quan cũng chỉ biết đến viên gạch được khai quật trong khu vực Hoàng thành Thăng Long, ngoài ra sẽ rất khó để có ấn tượng sâu sắc gì” – chị Phùng Thị Hoàng Anh nhấn mạnh.
Thúc đẩy quảng bá sản phẩm
Theo anh Trần Lịch - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Du thuyền sông Hồng, câu chuyện về ý tưởng game hóa của An Phú Thăng Long đã thúc đẩy quảng bá sản phẩm dụ lịch. Anh Trần Lịch chia sẻ câu chuyện, anh em doanh nghiệp hay nói vui là vừa được ăn, vừa được nói, vừa được gói mang về.
Phiên bản Outing app tăng cường hỗ trợ mạnh hoạt động quảng bá điểm đến
Anh Trần Lịch nhận định, mỗi người khách du lịch khi đến du lịch bất kỳ địa phương nào khác ngoài nơi cư trú, đều muốn mua một cái gì đấy, có được cái gì đấy mang về. Ví du như đến Hoàng thành Thăng Long, về sẽ kể lại với bạn bè, người thân về việc đã đến Hoàng thành Thăng Long và mang về một vài sản phẩm quà tặng. Với khách nội địa là vậy, với khách quốc tế sẽ không mang được nhiều quà như khách nội địa, cũng sẽ không nhớ toàn bộ những thông tin, những lời hướng dẫn viên đã giới thiệu. Dó đó, với những thông điệp du khách được cung cấp sau khi tham gia game, sẽ tạo ấn tượng rất sâu cho du khách. Khi ra về, du khách có thể tự hào khoe với bạn bè, người thân về việc đã nắm được lịch sử của một di tích nổi tiếng của Hà Nội (Việt Nam) là Hoàng thành Thăng Long. Du khách có thể kể lại chi tiết nội dung mình đã ấn tượng, cái này chính là cái “mang về” trong quan điểm của những người làm lữ hành.
“Có thể nói, sản phẩm văn hóa là sản phẩm bản địa. Nó không có hình thái cụ thể, nên du khách không thể mang nguyên bản về, chỉ mang được câu chuyện về, được tinh thần, hồn cốt của câu chuyện về. Việc game hóa sản phẩm văn hóa thành sản phẩm phục vụ du lịch giúp du khách nhớ kỹ hơn, nhớ sâu hơn, từ đó lan tỏa câu chuyện, góp phần vào truyền thông, quảng bá sản phẩm. Đây là vấn đề mà bất cứ doanh nghiệp, cơ quan quản lý nào cũng mong muốn” – anh Trần Lịch khẳng định.
Anh Thomas Blot đến từ Pháp (đeo kính đứng giữa) tham gia trải nghiệm tour du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”
Chia sẻ với phóng viên, anh Thomas Blot đến từ Pháp sau khi trải nghiệm tour du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” cho biết, cảm thấy tour rất tốt, khiến bản thân anh Thomas Blot thích thú. Cách “game hóa” sản phẩm du lịch là cách làm mới giúp thu hút du khách hơn; tương tự cách làm bên Nhật, du khách sẽ “cố gắng” tham gia hết hành trình, đóng dấu vào ô trên phiếu để nhận phần quà của đơn vị tổ chức. “Những hình ảnh đèn lồng trang trí rất đẹp. Đặc biệt là lúc trình diễn tiết mục văn nghệ, tôi rất thích. Tôi cũng được nhìn thấy trang phục cổ của Việt Nam, rất lạ và thích thú. Tôi cũng thích phần giải mã, cũng thử nghe, ghi nhớ để giải mã, nhưng có vẻ như chúng quá sức những người nước ngoài vốn không hiểu về văn hóa Việt Nam nên không thể đóng các dấu ấn vào đúng ô. Giá có thêm ngôn ngữ tiếng Anh giới thiệu cho du khách thì càng tuyệt vời hơn” - anh Thomas Blot chia sẻ.
Anh Thomas Blot cũng chia sẻ về những điều lạ lẫm anh biết được sau khi tham gia tour du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” như phong tục dâng hương thờ cúng tổ tiên và các bậc tiền nhân, hay như cách du khách có thể sử dụng nước được lấy từ giếng của Hoàng thành... Theo anh Thomas Blot, đấy là những điều mà trong văn hóa của nước Pháp không có. Bản thân anh Thomas Blot cũng sẵn sàng tìm hiểu nhiều hơn, sâu hơn đối với các hiện vật cũng như công tác khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long nếu có điều kiện phù hợp.
*** Tour du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” là một sản phẩm văn hóa đã được game hóa. Phần cuối tour đã được đơn vị triển khai số hóa một phần thông qua việc trình chiếu các hình ảnh laser hệ thống lại các dấu ấn để du khách ghi nhớ trước khi lựa chọn trong phiếu giải mã.
Công ty Du lịch Bền vững Việt Nam cũng đang có kế hoạch phối hợp với An Phú Thăng Long xây dựng một phiên bản Giải mã Hoàng thành Thăng Long ở dạng số hóa để phục vụ du khách trải nghiệm vào ban ngày qua Outing App ***
Theo: kinhdoanhvaphattrien.vn