Số hóa xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc: Tại sao không?

(KDPT) - Sản phẩm du lịch là vấn đề cốt yếu quyết định việc thu hút sự trải nghiệm của du khách, thúc đẩy việc phát triển du lịch bền vững. Việc số hóa sản phẩm du lịch trong giai đoạn hiện nay vừa góp phần đẩy mạnh thực hiện chủ trương của Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia, vừa làm mới sản phẩm, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm du lịch trong giai đoạn bình thường mới của du khách. Trong lĩnh vực này, Công ty TNHH An Phú Thăng Long đang dẫn đầu, tạo nên một hệ sinh thái cộng đồng các doanh nghiệp cùng khai thác trên cơ sở game hóa sản phẩm du lịch.

Kỳ 1: Số hóa xây dựng sản phẩm du lịch thực chất

Số hóa sản phẩm du lịch không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên thời gian qua, phần lớn hoạt động số hóa mới chỉ dừng lại ở ứng dụng “thực tế ảo”, thuyết minh giới thiệu điểm đến hay hỗ trợ hoạt động kinh doanh, quản lý điểm đến... Cá biệt, Công ty TNHH An Phú Thăng Long đã sử dụng công nghệ số xây dựng một hệ thống sản phẩm nền tảng có thể ứng dụng ở hầu hết địa phương, doanh nghiệp, điểm đến tạo nên sản phẩm du lịch ấn tượng thu hút du khách.


Kích thích du khách trải nghiệm

“Nghề của em là sáng tạo nội dung tại các điểm đến, nên làm món này mới tự tin. Bởi bản thân từng viết kịch bản game bán cho cho truyền hình Việt Nam”. Đây là chia sẻ của anh Nguyễn Bá Tùng - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc sáng tạo Công ty TNHH An Phú Thăng Long - về ứng dụng “Outing app” của An Phú Thăng Long đang được ứng dụng ngày càng nhiều ở các địa phương, doanh nghiệp, điểm đến.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Tùng là một người nhanh nhẹn, vui tính, dễ gần, nhưng lại không có chút liên quan nào đến sản phẩm du lịch cả. Thế nhưng càng trao đổi, càng thấy Tùng là người tâm huyết. Theo Nguyễn Bá Tùng, thông thường, du khách khi đến bất kỳ điểm đến nào đều sẽ nghe hướng dẫn viên, thuyết minh viên chia sẻ. Họ nói gì thì du khách nghe và biết nấy; rất ít khi du khách tự phát, tự giác tìm hiểu, tìm tòi khám phá xung quanh. Và để khắc phục tình trạng này, tạo sự hứng khởi, thúc đẩy du khách khám phá, trải nghiệm tại điểm đến, An Phú Thăng Long đã xây dựng ứng dụng “Outing app”. Outing app sẽ thúc đẩy việc “game hóa” sản phẩm du lịch tương tác, tạo ra bối cảnh, thúc đẩy du khách tự chủ động khám phá; sẽ kích thích tính thi đua, háo hức, tò mò của du khách, để rồi du khách sẽ chủ động tham gia ác hoạt động trải nghiệm.

Nguyễn Bá Tùng đưa ra ví dụ, khi đến chùa thượng trên Tây Yên Tử, bên trên chùa có con nghê, có bánh sa luân... Nếu như không có hướng dẫn viên hoặc hướng dẫn viên không giới thiệu thì nhiều du khách sẽ bỏ qua, sẽ không biết đó là biểu tượng gì, có ý nghĩa thế nào... “Du khách cũng có thể tìm thông tin qua mạng, nhưng thông tin đó chỉ lướt qua đầu du khách rồi không bao giờ họ đọc lại. Nhưng khi địa phương, doanh nghiệp, Ban quản lý di tích đưa yếu tố game hóa vào, tạo nên yếu tố tương tác, thì tại điểm đó, ứng dụng sẽ đặt một câu hỏi mang tính thi đua. Câu hỏi sẽ được lập trình đố du khách hình ảnh biểu tượng là con gì? Và như vậy, du khách sẽ tự tìm hiểu, trả lời, cùng nhau thi xem ai trả lời nhanh hơn, chính xác hơn, xuất sắc hơn; còn ứng dụng sẽ đưa ra phản hồi đúng hoặc sai, đồng thời cung cấp thêm thông tin về hình ảnh để du khách hiểu rộng, hiểu sâu hơn. Đương nhiên, tiền đề là khi du khách đặt chân đến điểm đến, hướng dẫn viên phải hướng dẫn, hỗ trợ du khách tải và cài đặt ứng dụng “Outing app" - anh Nguyễn Bá Tùng chia sẻ.


Hay như tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, du khách phải nghe hướng dẫn viên giới thiệu rất kỹ mới biết được ý nghĩa của bốn chữ trong bức đại tự nguyên thủy trên cổng. Giả sử không có game hóa, du khách, đặc biệt là các học sinh đi qua, chỉ nghe giới thiệu thấy hay hay, rồi cũng bỏ quên dần. Còn khi đã được game hóa, thì du khách, học sinh sẽ rất nhớ đấy là “Cao Sơn Cảnh Hoành”, sẽ điền vào app, app sẽ nổ “ting ting” và có lời chúc mừng reo lên rất thú vị như chúng ta vẫn thường chơi game kiểu như “Wow, chúc mừng bạn đã thắng cuộc ở điểm chạm này”. Như vậy du khách sẽ được tính điểm và cảm thấy rất vui.


Số hóa sản phẩm


Anh Nguyễn Bá Tùng cho biết, sản phẩm chạy trên ứng dụng “Outing app” là theo mô hình khai thác game hóa tại điểm du lịch. Đây là một mô hình công nghệ dạng nền tảng, nên bất cứ địa phương, doanh nghiệp, điểm đến nào cũng có thể áp dụng. An Phú Thăng Long sẽ phát hành ra ứng dụng (app) và các công thức để sáng tạo nội dung tại tất cả điểm đến tại Việt Nam; đơn vị, địa phương, doanh nghiệp nào dùng thì sẽ mua công nghệ và trả tiền. Để tạo được sản phẩm, An Phú Thăng Long sẽ mang máy quét VR360 chụp toàn cảnh điểm đến, tạo ra một khung cảnh tương tự hình cầu, rồi sử dụng phần mềm cho mật thư vào khung cảnh, sau đó tiếp tục nhúng mật thư vào trong app. Du khách trải nghiệm sản phẩm sẽ giải mật thư ngay trên trên màn hình điện thoại của mỗi người, rất tiện lợi.

Outing app sẽ thúc đẩy việc “game hóa” sản phẩm du lịch tương tác, tạo ra bối cảnh, thúc đẩy du khách tự chủ động khám phá 

Theo anh Nguyễn Bá Tùng, toàn Việt Nam hiện có hàng chục ngàn điểm đến có thể thiết kế dạng game hóa. Nhân lực của An Phú Thăng Long không thể cáng đáng hết, do đó An Phú Thăng Long đã đào tạo thêm các bạn sinh viên trẻ, năng động làm cộng tác viên thông qua hình thức online (e-learning hoặc video call). Sau khi được tập huấn, các cộng tác viên sẽ tạo ra kịch bản game, đưa lên ứng dụng. Khi đưa lên ứng dụng, các bạn sinh viên sẽ được ghi tên tác giả và thu được một phần kinh phí về công sức sáng tạo. Khi có kịch bản thì An Phú Thăng Long sẽ đem bán cho các công ty lữ hành, cho chính các điểm đến hay những công ty chuyên cung cấp dịch vụ theo yêu cầu. Ví dụ như tại Hồ Hoàn Kiếm. Bản thân Ban quản lý không phải đầu tư thêm bất cứ chi phí gì nữa, trong khi đó lại có được kịch bản rất sống động, góp phần tạo nên sản phẩm du lịch rất hay dạng game trên nền tảng số để thực hiện mục tiêu số hóa điểm đến cho du khách trải nghiệm. Như vậy là “win win”, du khách thấy thích thú, nhà sáng tạo có tiền và điểm đến thu hút được đông đảo du khách đến trải nghiệm. 

Poster quảng bá sản phẩm số hóa thông qua “Outing app” tại Sơn Tinh Camp 

Trên thực tế, ứng dụng “Outing app” được An Phú Thăng Long ra mắt năm 2018, nhằm hỗ trợ sản phẩm du lịch team building. Thời điểm đó, trên thị trường đã có nhiều ứng dụng khách có cùng công dụng như “Go Team” của Anh, “Pro Team” của của Việt Nam... Hiện nay, hệ thống kịch bản “Outing app” được An Phú Thăng Long quản lý đã lên đến hơn 600 kịch bản, trở thành đơn vị sở hữu kịch bản team building đứng đầu Việt Nam. Hệ thống kịch bản “Outing app” đã được xây dựng tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có nhiều địa phương du lịch nổi tiếng như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Ninh Bình, Lào Cai, Quảng Ninh…; nhiều doanh nghiệp đã áp dụng “Outing app” vào các hoạt động ngoài trời, tổ chức sự kiện, tour du lịch như Đất Việt Tour, BeEvent, Cánh Cung, Thiên Phú Lâm, Vạn Đắc Phúc, Pys travel, Hà Nội Sky, Sơn Tinh Camp…

Điều này cho thấy, các đơn vị, doanh nghiệp, điểm đến hợp tác với An Phú Thăng Long sẽ không phải lo lắng về sự nhàm chán của sản phẩm. Đây là chưa nói đến việc các địa phương, doanh nghiệp, điểm đến hoàn toàn có thể sáng tạo thêm kịch bản thông qua việc tự đăng ký tài khoản trên ứng dụng. Còn nếu địa phương, doanh nghiệp, điểm đến mua kich bản thì An Phú Thăng Long sẽ có những hướng dẫn, tư vấn chi tiết cho người dùng lựa chọn.

Nguyễn Bá Tùng (thứ 3 từ trái sang) thay mặt Dự án “Outing App” của An Phú Thăng Long nhận chứng nhận Top 5 Dự án tiềm năng của Chương trình VISIA do Đại sứ quán Mỹ tài trợ 

Không chỉ An Phú Thăng Long có ý tưởng game hóa sản phẩm để thu hút du khách. Trên thực tế, cũng đã có doanh nghiệp có cùng suy nghĩ với An Phú Thăng Long, đã “game hóa” sản phẩm của mình để tăng tính trải nghiệm cho du khách. Sản phẩm này hiện thu hút được sự chú ý cũng như đánh giá cao của du khách trong nước và quốc tế. 

Theo: kinhdoanhvaphattrien.vn